Văn hóa - Giải trí
Cập nhật: 18h12 - 07/09/2012
Trận Hòn Đồn đi vào lịch sử
Cập nhật: 18h12 - 07/09/2012
Hòn Đồn (xã An Định, Tuy An) nằm cách TP Tuy Hòa gần 40km về hướng bắc. Cách đây gần 50 năm tại nơi đây đã diễn ra một trận đánh rất ác liệt, không cân sức giữa ta và địch. Là trận đánh đã để lại kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của các cựu chiến binh về tình cảm quân dân sâu nặng; về tinh thần phối hợp chiến đấu dũng cảm của 40 dân công và du kích xã An Định trong những năm chống Mỹ…

Tháng 10/1966, 6 chiến sĩ đặc công thuộc Đại đội 202 được lệnh đi đánh Đại đội cộng hòa thuộc Tiểu đoàn 3 E47 Mỹ đóng ở núi Sơn Chà (xã An Ninh – Tuy An) nhưng không may bị lộ, đơn vị hành quân về vùng 6 (vùng giải phóng). Bọn Mỹ liền điều một đại đội khác hơn 100 tên chặn đường rút của quân ta. Đêm hôm đó, chúng đóng quân tại hòn Đồn, một ngọn núi nằm cách quốc lộ 1 khoảng 7km. Lúc đầu nhận thấy quân địch đông lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, quân ta đã định không đánh. Nhưng sau đó đồng chí Đặng, Xã đội trưởng xã An Định đã tập trung được 60 quả lựu đạn, điều động thêm 20 dân công và 20 du kích phối hợp để đánh. Hơn nữa, sau khi trinh sát và theo dõi, nhận thấy bọn địch cũng rất sơ sài trong việc canh gác và chuẩn bị công sự vì chúng chủ quan. Điều này càng làm cho Ban chỉ huy đại đội quyết tâm đánh tiêu diệt bọn chúng. 6 đồng chí tham gia trong trận này gồm các đồng chí Trần Cư, Huỳnh Văn Ủng, Huỳnh Văn Luông, Nguyễn Kề, đồng chí Sanh (không nhớ rõ họ - PV) và Nguyễn Sanh đều là cán bộ tiểu đội, trung đội đã kinh qua nhiều trận mạc nên rất có kinh nghiệm.Vì vậy khi phương án đưa ra liền được đồng chí Nguyễn Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 202 đồng ý. Với phương châm: Bí mật, bất ngờ, táo bạo, các đồng chí đã chia thành hai tổ chờ đêm tối tiến đến doanh trại giặc. Tổ ở phía bắc do đồng chí Huỳnh Văn Ủng chỉ huy; tổ phía nam do đồng chí Nguyễn Kề chỉ huy. Chỉ trong một đêm, quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Một đại đội Mỹ trên 100 tên bị xóa sổ, ta thu nhiều chiến lợi phẩm và súng đạn, trong đó có hai khẩu đại liên, hai trung liên.

Nhưng điều làm các cựu chiến binh nhớ và xúc động nhiều nhất đó là tình cảm của các mẹ, các chị trong đội dân công, du kích và các cơ sở cách mạng đã không quản khó khăn khổ cực, hy sinh tính mạng để đồng tâm hiệp lực, khích lệ tinh thần chiến đấu và chiến thắng. Chuyện đã xảy ra gần nửa thế kỷ nhưng theo cựu chiến binh Huỳnh Văn Ủng thì như mới hôm qua. Đó là các mẹ ở vùng 6, khi nghe có các anh bộ đội về đã lo chu toàn nơi ăn chốn ở. Có mẹ trong nhà chỉ còn hai con gà mái đẻ nhưng đã làm thịt nấu cháo để cho “mấy ông liều mạng sau khi đánh trận ăn cho ấm bụng”. Và ông khẳng định: Nhờ tình cảm thân thiết như ruột thịt của các chị, các mẹ mà đã động viên tinh thần quyết đánh và đã đánh là thắng”. Ông Ủng ngậm ngùi “không biết những người trong đội dân công, du kích tham gia đánh kết hợp trong trận hòn Đồn năm xưa giờ ai còn ai mất?”.

Trận Hòn Đồn thắng lợi gần như tuyệt đối. Đó là kết quả của tình quân dân như cá với nước, một sự kết hợp tài tình giữa các lực lượng địa phương và quân chủ lực, tạo nên một sức mạnh không thể lay chuyển. Nó cũng như một nét son hồng tô thắm cho truyền thống đấu tranh chống Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân Phú Yên.

Cùng chuyên mục