Tài chính - Kinh doanh
Cập nhật: 18h02 - 07/09/2012
Chương trình hợp lòng dân
Cập nhật: 18h02 - 07/09/2012
Theo kế hoạch, dự án xây dựng thí điểm chòi tránh lũ ở các huyện Đồng Xuân và Tuy An sẽ được thực hiện từ tháng 10 năm nay. Đến thời điểm này, 100 hộ nghèo ở hai xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) và An Định (Tuy An) đang khẩn trương chuẩn bị vốn đối ứng để xây dựng chòi tránh lũ theo kế hoạch.

GIÚP NGƯỜI DÂN AN CƯ

Các thôn Định Trung 1, Định Trung 2, Long Hòa của xã An Định (Tuy An) và Tân Long, Tân Hòa của xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) có đặc điểm chung là nằm ven sông Cái, trũng thấp, đi lại khó khăn. Mỗi khi lũ về, nước chảy xiết, thuyền bè cứu hộ rất khó tiếp cận với khu vực này, nên bà con tự ứng cứu tại chỗ là chính. Bà Nguyễn Thị Bụt (81 tuổi) ở thôn Định Trung 2, nhớ lại: Sống đến từng tuổi này, tôi chưa bao giờ thấy trận lụt nào lớn như năm 2009. Năm đó, nước lên nhanh chưa từng thấy. Buổi chiều, nước còn ở ngoài đồng, đến 8g tối nước vào đến sân, rồi cứ thế lên như diều gặp gió. Mấy bà cháu tôi chỉ kịp leo lên gác nhà ngồi co ro, cầu trời cho nước đừng lên nữa. Hơn một đêm và một buổi sáng, chúng tôi phải chịu lạnh, chịu đói, nghe tiếng ca nô cứu hộ chạy bên ngoài nhưng gọi chẳng ai nghe. Vả lại, nếu có nghe thì họ cũng chẳng vào được vì khu vực này nhiều tre.

Hiện bà Bụt đang sống cùng nhà với hai vợ chồng con trai và một cháu nhỏ. Nhà nghèo, làm vài sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng con trai bà Bụt phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. “Đợt này, gia đình tôi cố gắng “chạy” đủ 10 triệu đồng để thêm vào tiền hỗ trợ của Nhà nước xây dựng chòi tránh lũ. Có chòi, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi mùa lũ về”, bà Bụt chia sẻ.

Còn ông Trương Thiện ở thôn Long Hòa, xã An Định thì cho hay: Nếu muốn làm được chòi, ngoài vốn của Nhà nước hỗ trợ, gia đình phải vay thêm tiền. Biết là sẽ rất khó khăn nhưng chúng tôi phải cố gắng vì đây là việc làm cần thiết, nhất là khi mùa lũ đến gần. “Tôi không muốn lại phải chứng kiến cảnh vợ chồng, con cái ngồi trên nóc nhà nhìn dòng nước xoáy, xói đến hở hàm ếch cái sân trước nhà như năm 2009”, ông Thiện nói.

Ông Đoàn Văn Hải, một hộ nghèo được vay vốn xây chòi tránh lũ cũng cho biết: Tôi đã sống ở thôn Tân Long từ nhỏ nên biết sự thất thường của thời tiết vùng này. Mấy năm trước, gia đình dự định xây dựng nhà để tránh lũ, nhưng không có điều kiện. Nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ, chúng tôi rất phấn khởi. Gia đình sẽ cố gắng gom góp thêm tiền xây được chòi kiên cố để có nơi tránh trú mỗi khi bão, lụt đến.

Chương trình cho vay vốn xây dựng chòi tránh lũ được thực hiện theo Quyết định số 716/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên. Mức hỗ trợ theo ngân sách Trung ương 10 triệu đồng/hộ; Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các hộ gia đình cam kết đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

CẦN THÊM SỰ HỖ TRỢ

Theo ông Phan Văn Ba, Chủ tịch UBND xã An Định, mặc dù người dân trong xã chủ động chuẩn bị thuyền, sõng để “sống chung với lũ” nhưng vẫn không thể lường hết được sự thất thường của thời tiết. Mỗi hộ muốn được vay vốn xây chòi tránh lũ phải ký cam kết có đủ vốn đối ứng tối thiểu. Tuy nhiên, đối với hộ nghèo, chạy ăn từng bữa đã khó, “chạy” thêm ít nhất 10 triệu đồng nữa trong thời gian này là sự cố gắng lớn. Với quy định tối thiểu 30 triệu đồng/chòi, nếu bà con nào đang xây hoặc sửa chữa nhà thì việc làm thêm chòi tránh lũ sẽ rất tiện lợi; còn nếu chỉ xây chòi riêng, e rằng rất khó để có được một nơi kiên cố để tránh bão lũ trong thời gian dài. “Để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm hơn mỗi khi bão, lũ đến, chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ để người dân có thêm vốn xây được chòi tránh lũ bền vững, thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương”, ông Ba nói.

Hiện Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh 5 mẫu thiết kế chòi phòng tránh lũ, lụt phù hợp với đặc trưng khí hậu, địa chất tại các khu vực nằm trong vùng dự án. Các mẫu chòi có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5-3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích tối thiểu 10m², trụ và sàn bằng bê tông cốt thép. Khi lũ lên, đây không chỉ là nơi cư ngụ của người dân mà còn có thể cất tài sản và nhốt được cả gia súc, gia cầm.

Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cho biết: Khi tỉnh chọn được phương án thiết kế và triển khai đến người dân, ngân hàng sẽ bắt đầu giải ngân vốn để hộ nghèo có tiền mua vật liệu xây chòi. Mỗi hộ được vay tối đa 10 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 10 năm, trong đó ân hạn 5 năm. Ngoài ra, hộ nghèo có thể làm thủ tục vay vốn một số chương trình khác của Ngân hàng Chính sách xã hội để có thêm tiền xây chòi kiên cố hơn.

Cùng chuyên mục